Đóng

Nợ những trái tim “lỗi nhịp”

Nợ những trái tim “lỗi nhịp”

Những đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh xanh xao, môi tím tái, lấy hơi thở từng cơn. Các em muốn đi học nhưng không được, muốn chạy nhảy, chơi đùa cũng không thể. Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật tim. Chi phí mỗi ca mổ dao động 40 – 100 triệu đồng, thậm chí đến 200 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với những gia đình khó khăn.

Để giúp những trái tim trẻ thơ không còn “lỗi nhịp”, hơn 20 năm qua, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP HCM (Hội) đã thực hiện chương trình “Cứu giúp trẻ em bệnh tim bẩm sinh”.

Hai lần được tái sinh

Một ngày đầu tháng 10, chị Hoàng Thị Tường Vy (29 tuổi, quê Đắk Lắk) ẵm con trai đến gõ cửa phòng chương trình hỗ trợ mổ tim của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP HCM. Nhìn đứa trẻ gương mặt xinh xắn nhưng xanh xao, hơi thở khó nhọc, với kinh nghiệm từng gặp hàng ngàn đứa trẻ có biểu hiện như thế, ông Võ Văn Xuân, Chánh Văn phòng Hội biết bệnh tình đứa trẻ đang vô cùng nguy cấp. Hôm đó, từ sáng sớm, chị Vy đưa con là bé Nguyễn Hoàng Minh Khang (hơn 5 tuổi) đi tái khám tại Viện Tim TP HCM. Sau các chẩn đoán, bác sĩ chỉ định phải mổ gấp. Bước ra khỏi phòng khám với tờ chi phí dự kiến trên 160 triệu đồng, người mẹ trẻ ấy như ngã quỵ, nước mắt lăn dài trên má vì không thể xoay ra được số tiền lớn như vậy.

Nợ những trái tim 'lỗi nhịp' ảnh 1
Ông Võ Văn Xuân, Chánh văn phòng Hội, thăm một trẻ được tài trợ mổ tim
Một ngày sau khi đến xin cứu giúp, chị Vy nhận được điện thoại của ông Xuân thông báo, Hội sẽ hỗ trợ 100% chi phí ca phẫu thuật của bé Khang. Sau cuộc điện thoại, chị thấy con mình như được hồi sinh. Mang thai được 5 tháng, bác sĩ đã xác định thai nhi có vấn đề về tim. 11 tháng sau khi chào đời, bé Khang được phẫu thuật tim lần đầu.

“Chi phí mổ lần đầu vợ chồng em phải vay mượn khắp nơi, đến nay vẫn còn nợ 40 triệu đồng. Hiện thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào những cuốc xe ôm chồng em. Để tiện chăm sóc con, em phải nghỉ làm, chỉ ở nhà buôn bán lặt vặt. Nếu không có sự cứu giúp của Hội, con em sẽ không được cứu. Đây là ơn cả cuộc đời em ghi nhớ”, chị Vy bùi ngùi.

Trong căn phòng trọ nhỏ tại quận Bình Tân (TP HCM), anh Đỗ Hoàng Giang đang chơi xếp hình cùng con trai – bé Đỗ Hoàng Nam. Bé Nam nay đã hơn 6 tuổi nhưng chưa biết nói, vì phải mở khí quản nơi cổ do biến chứng sau 2 lần mổ tim. Sinh ra 2 tháng Nam phát hiện bị tứ chứng Fallot. Từ sự hỗ trợ của Hội, Nam được phẫu thuật lần 1 khi vừa thôi nôi. Cách đây 2 năm, khi đến thời gian phải mổ lần 2, anh Khang chạy vay mượn khắp nơi nhưng không được.

“Từ lúc biết con bệnh, tôi phải nghỉ làm để lo cho con. Vợ tôi vừa làm công nhân vừa tranh thủ bán thêm vé số. Chạy vạy khắp nơi không có tiền, tôi có nghĩ đến Hội, nhưng vì đã nhận trợ giúp 1 lần nên tôi không dám xin thêm lần nữa”, anh Khang tâm sự.

Trong lúc tâm trí rối bời, anh lại được giới thiệu đến Hội. Biết hoàn cảnh gia đình, chương trình “Cứu giúp trẻ em bệnh tim bẩm sinh” tiếp tục hỗ trợ bé Nam chi phí phẫu thuật lần thứ 2. Nhờ sự trợ giúp này, đến nay sức khỏe bé Nam đã ổn định.

Phát huy nghĩa tình

Đó là 2 ca trong hàng ngàn trường hợp đã được Hội trợ giúp chi phí để thực hiện phẫu thuật tim thành công. Theo ông Trần Thành Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM, chi phí cho một ca mổ tim rất cao, từ 40 đến 100 triệu đồng, có ca thậm chí lên tới 200 triệu đồng, nên khi mới thành lập, Hội không đủ sức tài trợ. Nhưng khi thực hiện các chương trình đem lại nụ cười, ánh sáng, âm thanh, tiếng nói cho trẻ câm điếc, Hội nhận được nhiều lời kêu cứu hỗ trợ mổ tim cho con trẻ. Đau xót nhìn những đứa trẻ ra đi vì không có chi phí mổ tim, năm 1996, Hội trích kinh phí để giúp vài trường hợp trẻ bệnh tim cấp bách. Đến năm 2006, Hội chính thức mở chương trình “Cứu giúp trẻ em bệnh tim bẩm sinh”.

Thông qua các đêm diễn văn nghệ gây quỹ, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân trong và ngoài nước, Hội đã giúp chữa những trái tim “lỗi nhịp” của hàng ngàn đứa trẻ. Năm 2006, chỉ có 4 bệnh viện tham gia hỗ trợ cùng chương trình. Đến nay đã có hơn 20 bệnh viện trong cả nước với đông đảo bác sĩ tham gia. Nhiều trường hợp, Hội không chỉ giúp chi phí mổ lần 1 mà còn hỗ trợ cả lần 2.

Không chỉ đi tìm kiếm nguồn tài trợ, Hội còn kết nối để các mạnh thường quân trực tiếp đến thăm các bé sau khi phẫu thuật. “Khi nhìn thấy những đứa trẻ ốm yếu vì bệnh tật, tôi cũng như anh em trong Hội đều thấy day dứt như mình còn mắc nợ điều gì đó. Cứ thế, chúng tôi cố gắng vận động để giúp nhiều đứa trẻ được chữa trị kịp thời, để các cháu lớn lên khỏe mạnh, được học tập như bao đứa trẻ khác”, ông Trần Thành Long chia sẻ.

Tại Đại hội lần thứ VI của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP HCM, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, bày tỏ niềm tự hào về các chương trình Hội đã thực hiện, trong đó có chương trình “Cứu giúp trẻ em bệnh tim bẩm sinh”.

Các việc làm đã mang lại hạnh phúc, niềm vui cho nhiều người, hình ảnh và nghĩa cử cao đẹp của Hội là ví dụ mẫu mực để phát huy chữ nghĩa, chữ tình trong xã hội, có ý nghĩa lớn góp phần xây dựng hình ảnh TPHCM ấm áp, nghĩa tình.

Tin, hình: Thái Phương (Báo SGGP)

Chương trình “Cứu giúp trẻ em bệnh tim bẩm sinh” là một trong các chương trình được Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP HCM tập trung thực hiện liên tục trong nhiều năm qua. Hơn 20 năm, chương trình đã giúp hơn 8.800 trẻ được phẫu thuật tim. Hiện Hội vừa nhận được gói tài trợ mổ tim miễn phí cho 300 trẻ, người từ 21 tuổi trở xuống. Gia đình các cháu bệnh tim bẩm sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có thể liên hệ trực tiếp với Hội, hoặc số điện thoại: 0903.980.452 (ông Võ Văn Xuân) để được hỗ trợ.

18/03/2021